Nhận thấy tiềm năng đất hiếm, PGS Phan Quang Văn cùng cộng sự trường Đại học Mỏ Địa Chất phối hợp một số Viện nghiên cứu trong nước và nhóm chuyên gia Đức xác định đặc tính của khoáng vật đất hiếm vùng Nậm Xe (Lai Châu), nghiên cứu công nghệ tuyển luyện và đánh giá dữ liệu môi trường nền phục vụ thiết kế khai thác và bảo vệ môi trường khu mỏ phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Đất hiếm gồm 17 nguyên tố, là loại khoáng sản đặc biệt không nhiều nước trên thế giới sở hữu, các nguyên tố đất hiếm có ý nghĩa đặc biệt trong thiết bị công nghệ cao, vì vậy đất hiếm mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia. Việt Nam có trữ lượng đất hiếm dự báo khoảng 22 triệu tấn. Tuy nhiên công nghệ chọn lọc, tinh luyện đất hiếm tại Việt Nam mới dừng lại ở mức độ phòng thí nghiệm, công suất thấp. "Việc nghiên cứu công nghệ của nhóm là giải pháp nâng cao giá trị đất hiếm Việt Nam, đặc biệt là đất hiếm mỏ Nậm Xe", PGS Văn cho biết.
Cuối năm 2015, nhóm nghiên cứu bắt đầu chuyến thực địa tại mỏ Nậm Xe, tiến hành lấy mẫu môi trường nền theo mùa để đánh giá hoạt độ phóng xạ trong khu mỏ và vùng lân cận, đồng thời thực hiện các công tác lấy mẫu địa chất đưa về các Viện Nghiên cứu và gửi sang đối tác Đức phân tích thành phần khoáng vật có trong các mẫu đất hiếm. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện gần 3.000 điểm đo và lấy mẫu nhằm nghiên cứu hoạt độ phóng xạ trên toàn bộ khu mỏ và lân cận, từ đó xây dựng được bộ dữ liệu môi trường nền phục vụ cho công tác an toàn phóng xạ và bảo vệ môi trường khi đưa mỏ vào hoạt động. Các kết quả phân tích hoạt độ phóng xạ trong các loại cây lương thực trồng trong khu vực mỏ và lân cận đã bổ sung thông tin về các thành phần môi trường phóng xạ tự nhiên, là cơ sở cho việc khuyến cáo sản xuất nông nghiệp ở khu mỏ và lân cận.
Các chuyên gia Đức đã kết hợp lấy mẫu địa chất và sử dụng một tấn mẫu để phân tích xác định thành phần vật chất và nghiên cứu phương pháp tuyển luyện bền vững môi trường đ���i với khoáng vật đất hiếm Nậm Xe. Các nghiên cứu phía Đức được thực hiện tại Viện Công nghệ tài nguyên Helmholtz Freiberg và Công ty Tuyển khoáng và kỹ thuật môi trường, Cộng hòa Liên bang Đức.
Kết quả cho thấy, tại khu Bắc Nậm Xe, do bị ảnh hưởng bởi quá trình phong hóa nên đất hiếm dần hình thành những quả đồi, dễ khai thác. Phía Nam Nậm Xe dạng quặng nguyên, còn ở trong đá. Các quặng nguyên khai của hai khu vực là đất hiếm nhóm nhẹ, chủ yếu là các nguyên tố La (Lantan) và Ce (Xeri), chiếm khoảng 97% tổng oxit đất hiếm khu Bắc Nậm Xe và 75,9% tổng oxit đất hiếm khu Nam Nậm Xe. Đặc biệt hàm lượng nguyên tố phóng xạ Urani và Thori dạng tự nhiên mỏ Bắc Nậm Xe là chiếm lần lượt 0,003% và 0,005%. Vùng Nam Nậm Xe lần lượt là 0,01% và 0,09%.
Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam - Viện Kỷ lục Việt Nam đang đề xuất Kỷ lục “ Nhóm nghiên cứu Việt Nam lần đầu nghiên cứu công nghệ khai thác đất hiếm”
Nguồn: https://vnexpress.net/viet-nam-lan-dau-nghien-cuu-cong-nghe-khai-thac-dat-hiem-4211150.html