Thừa Thiên Huế: Tháp Chăm Phú Diên đón nhận Kỷ lục Việt Nam và Thế giới với Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên

28-06-2022

(Kỷ lục - VietKings) Tháp Chăm Phú Diên là công trình kiến trúc Chăm Pa cổ đại được phát hiện vào năm 2001 tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước khi xuất lộ và khai quật, công trình này nằm sâu dưới lòng cát, thấp hơn mực nước biển chừng 5m hàng ngàn năm một cách bí ẩn. Với những giá trị về văn hóa, lịch sử của công trình, công trình này chính thức được ghi nhận Kỷ lục Quốc gia và Thế giới là Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên.

Ngày 27/6/2022, trong khuôn khổ chương trình Đêm hội Tháp Chăm tại thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã trao tặng Kỷ lục Việt Nam đến hai đơn vị gồm Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế và UBND Xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) cũng chính thức có Thư Ủy quyền cho Lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam để trao tặng Kỷ lục Thế giới đến hai đơn vị.

 

 

 

 

Quan khách tham dự buổi lễ công bố Kỷ lục (Ảnh: Duy Nghĩa/VietKings)

 

 

 

Sự kiện ghi nhận sự tham gia đông đảo của người dân địa phương tại xã Phú Diên cùng các quan khách (Ảnh: Duy Nghĩa/VietKings)

 

Theo thông tin do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cấp, ngày 18/4/2001, trong lúc đào đất khai thác quặng ti tan tại vùng đồi cát tại hai thôn Phương Diên và Mỹ Khánh (xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), các công nhân của Công ty Khoáng sản TT-Huế bất ngờ phát hiện một công trình bằng gạch cổ xưa mang kiến trúc khác lạ nằm sâu dưới lòng đồi cát ven biển. Khu vực này cách TP.Huế 30km về hướng Đông Nam theo quốc lộ 49B. Ngay sau đó, UBND Tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Văn hóa – Thông tin, nay là Sở Văn hóa và Thể thao cùng Bảo tàng Lịch sử Tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát công trình này. Từ ngày 5/9/2001 đến ngày 21/9/2001, Bảo tàng Lịch sử Tỉnh phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật di tích Tháp Phú Diên. Kết quả cho thấy, di tích là một khối kiến trúc hình chữ nhật vùi sâu trong lòng cát 5-7m, thấp hơn mực nước biển 3-4m và chỉ cách mép nước biển 120m.

 

 

 

Tháp Chăm Phú Diên được phát hiện ở thôn Phương Diên, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế . So với các tháp Chăm còn tồn tại ở Việt Nam, vị trí tọa lạc của tháp Phú Diên nằm cạnh bờ biển, sâu dưới lòng đất là một điều đặc biệt. Trong khi, phần lớn các tháp Chăm khác tại Việt Nam đều nằm trên các đỉnh đồi và cách xa bờ biển

 

 

 

Tháp Chăm được chiếu sáng trong tối sự kiện xác lập kỷ lục ngày 27/06 (Ảnh: Duy Nghĩa/VietKings)

 

Trước đó, ngày 15 tháng 3 năm 2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục số 2729/KLVN/2022 cho Tháp Chăm Phú Diên là Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam. Bộ hồ sơ sau đó tiếp tục được các đơn vị liên quan phối hợp với Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đề cử đến Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings).

Sau 03 tháng xem xét hồ sơ, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) chính thức thông qua đề cử và có quyết định cấp bằng Kỷ lục Thế giới đến các đơn vị liên quan vào ngày 30 tháng 5 năm 2022, số xác lập WK/USA.INDIA/605/2022/No.70. Tháp Chăm Phú Diên chính thức được ghi nhận Kỷ lục là Tháp chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới.

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc - Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đại diện công bố Quyết định Xác lập Kỷ lục Việt Nam và Thư ủy quyền cho lãnh đạo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao Kỷ lục Thế giới đến các đơn vị từ Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) (Ảnh: Duy Nghĩa/VietKings)

 

 

 

Đại diện Bảo tàng Lịch sử Tỉnh Thừa Thiên Huế và Ủy ban Nhân dân Xã Phú Diên, Huyện Phú Vang, Tỉnh Thừa Thiên Huế đón nhận Kỷ lục Việt Nam từ Ông Nguyễn Mạnh Quý – Thường trực Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và Ông Nguyễn Văn Xáng - Thường trực Hội Đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Trưởng Văn phòng Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam tại miền Trung (Ảnh: Duy Nghĩa/VietKings)

 

 

 

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng Xác lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Thành viên Hội đồng WorldKings toàn cầu đại diện trao Kỷ lục Thế giới cho các đại diện (Ảnh: Duy Nghĩa/VietKings)

 

 

 

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp phát biểu tại sự kiện sau khi hai kỷ lục được xác lập và công nhận

 

 

 

 

 

 

Lãnh đạo địa phương trao tặng hoa cảm ơn đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và các nhà tài trợ. Ảnh: Duy Nghĩa (VietKings)

 

Lễ công bố xác lập Kỷ lục ngoài phần nghi thức công nhận còn mang đến chương trình nghệ thuật đặc sắc “Đêm hội tháp Chăm” với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng. Đây là hoạt động văn hóa, du lịch hưởng ứng Festival Huế 2022, được tổ chức nhằm giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước biết về tháp Chăm Phú Diên cũng như tiềm năng văn hóa, du lịch của vùng đất Thừa Thiên Huế.

 

 

 

Ngoài nghi thức công nhận và xác lập kỷ lục, "Đêm hội tháp Chăm" còn là sự kiện văn hóa quan trọng của địa phương với hàng loạt các tiết mục nghệ thuật mang đậm bản sắc của người dân Phú Diên nói riêng cũng như của người dân Huế nói chung. Đặc biệt chương trình còn ghi nhận sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ mảnh đất Cố Đô (Ảnh: Duy Nghĩa/VietKings)

 

Thông tin về Tháp Chăm Phú Diên

 

 

 

Tháp được phát hiện không còn mái che. Toàn bộ tháp được xây bằng gạch nung với kỹ thuật xây dựng đặc biệt của người Chăm, hoàn toàn không có vôi vữa trên diện tích khoảng trên 30m2, độ dày mỗi bức tường từ 90cm – 1,0m, chính giữa 4 bốn bức tường của di tích được thiết kế 4 vòm cửa. Riêng cửa phía Đông là cửa ra vào có hình vòm mềm mại với những đường nét sắc sảo, ba vòm của Tây, Nam, Bắc là cửa giả, kích thước cơ bản giống nhau. Cách cửa chính 5m, chính giữa lòng di tích ở độ sâu 1,4m là nơi đặt bệ thờ có dạng khối vuông được cho là nơi đặt Yoni có kích thước 60cm x 60cm, dày 10cm; vôi dày 12cm, được làm bằng chất liệu đá xám. Yoni được đặt trên một bệ gạch 80cmx80cm, ở giữa Yoni và bệ thờ có hai mảnh kim loại màu vàng dát mỏng.

 

 

 

Đây là một kiến trúc thuộc nền văn hoa Chăm Pa có giá trị về khoa học lịch sử, kiến trúc vì từ kiến trúc đến kỹ thuật xây dựng, họa tiết trang trí ngoài tường tháp mang đầm phong cách Ấn Độ giáo. Đặc biệt là sự có mặt của Yoni trong lòng tháp là hiện vật duy nhất chỉ có dân tộc Chăm dùng làm Vật Thờ thiêng liêng của dân tộc mình.

 

 

 

Qua việc giám định bằng phương pháp Cacbon, các nhà nghiên cứu đã xác định Tháp Phú Diên có niên đại vào khoảng thế kỷ VIII – thời kỳ tiền hưng thịnh của Vương quốc Chăm Pa.

 

Tháp Phú Diên có tổng chiều cao từ 3,1m đến 3,26m. Toàn bộ tháp được xây bằng gạch nung với kỹ thuật xây dựng đặc biệt của người Chăm, hoàn toàn không có vôi vữa. Từ nhận định của các nhà nghiên cứu, đây là dạng tháp lùn và thuộc nhóm tháp đầu tiên của kiến trúc tôn giáo Chăm. Tháp có màu đỏ hồng nổi bật giữa vùng cát trắng, là điểm nhấn của vùng biển quê hương Phú Diên.

 

 

 

Dù trải qua hơn 12 thế kỷ và bị vùi lấp trong cát, tháp đã bị thiệt hại khá nhiều và đã mất đi phần mái, nhưng nhìn chung, tổng thể ngôi tháp khá hài hòa, cân đối bao gồm: móng, chân, thân tháp và diềm mái.

 

 

 

Ngôi tháp vẫn giữ được màu gạch đỏ hồng đẹp mắt. Các mẫu gạch đều xốp, có kích thước không đều. Sự liên kết các lối gạch không mạch vữa nhưng các đường nét lại rất mềm mại.

 

Cấu trúc của tháp Phú Diên về cơ bản là một khối kiến trúc hình chữ nhật. Mặt bằng lớp gạch ngoài cùng của tháp dài 8,22 mét, rộng 7,12 mét (đây là số đo làm cơ sở cho việc khoanh vùng bảo vệ di tích). Càng lên cao càng với các thành phần khác nhau như thu nhỏ dần gồm phần móng tháp, đế tháp, chân tháp, thân tháp, diềm mái tháp.

 

 

 

Phần trang trí ở chân tháp có những viên gạch nung xen kẽ ngang dọc. Dưới móng tháp là một lớp đá sạn cuội làm dày 30-40cm làm nền cho đế tháp. Những cấu trúc gạch xây cho thấy tháp tòa tháp cũng sử dụng kỹ thuật xây tháp đặc biệt, không hề có mạch kết dính.

 

Cấu trúc mảng tường ngoài các phía của Tháp Phú Diên:

-         Mảng tường ngoài phía Tây: Cao 2,74m - 2,8m x rộng 6m

-         Mảng tường ngoài phía Nam: Cao 2,75m -2,8m x rộng 6,9m

-         Mảng tường ngoài phía Bắc: Cao 2,87m -2,8m x rộng 6,9m

Câu trúc lòng Tháp: Bốn mảng tường trong lòng tháp bằng phẳng, không trang trí, tường tháp càng cao, vật liệu càng mỏng.

-         Tường phía Đông: Cao 2,89m x rộng 3,28m

-         Tường phía Tây: Cao 2,86m  x Rộng 3,38m

-         Tường phía Nam: Cao 2,84m x Rộng 3,87m

-         Tường phía Bắc: Cao 2,89m x Rộng 2,87m

Với tài liệu hiện có, việc xác định niên đại xây dựng Tháp được căn cứ bởi hình khối, trang trí kiến trúc, vật liệu tham gia kiến trúc, hiện vật liên quan. Với tỉ lệ kiến trúc các thành phần cấu trúc trên Tháp hiện còn như chân đế, thân, diềm mái, hệ thống cửa giả cho thấy: Tháp Phú Diên thuộc nhóm tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa. Đây là nhóm khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Chăm Pa trước khi chuyển sang xây dựng bằng vật liệu có tính bền vững, với những đường nét trang trí cơ bản, có thể thấy Tháp Phú Diên được xây dựng khá sớm.

Đặt tháp trong tiến trình phát triển chung của nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa, dựa trên tiêu chí phân loại phong cách kiến trúc cùng niên đại mà học giả người Pháp Ph.Stern đưa ra, được Hội đồng Khoa học xếp:

Tháp Chăm Phú Diên nằm trong phong cách kiến trúc Mỹ Sơn E1 sang kiến trúc Tháp Hòa Lai thuộc đầu thế kỷ VIII. Kết quả phân tích mẫu than (carbon) tìm được trong lòng Tháp theo phương pháp c14 của Viện Khoa học Xây dựng – Bộ Xây dựng cho kết quả là niên đại 750 ± 40 năm (Thế kỷ VIII) hoàn toàn phù hợp với kiến trúc của Tháp.

 

 

 

Hiện tại, công trình được bảo tồn tại chỗ trong một kiến trúc nhà kính nhằm hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của môi trường thiên nhiên.

 

 

 

Lối xuống Tháp Chăm Phú Diên

 

Cùng với việc khai quật Tháp, các đơn vị - cơ quan liên quan đã gấp rút công tác bảo quản cấp thiết chống sự sạt lở của di tích; thực hiện các công việc trùng tu như xây tường bao, xây dựng nhà che mưa nắng, khoanh vùng, dựng nhiều cột gỗ chống nghiêng đổ, xây đê bao tránh cát bay vùi lấp và chặn nước xói mòn… Năm 2001, Tháp Phú Diên được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia, theo quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/12/2001. Tháng 10/2005, tháp được tiến hành bảo tồn tu bổ và hoàn thành vào tháng 5/2007.

 

 

 


Theo Ngọc Hà & Duy Nghĩa (Kyluc.vn)