[WOWTIMES – Đề cử Top 100 Làng nghề trăm tuổi Việt Nam – 2022] (P.24) Làng gốm Phù Lãng - vẻ đẹp trăm năm của hồn quê Kinh Bắc

04-02-2023

[VIETKINGS – NIÊN LỊCH &THÀNH TỰU (WOWTIMES)] Nằm bên bờ sông Cầu thơ mộng của vùng quê Kinh Bắc, làng gốm Phù Lãng (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là một trong số những làng gốm nổi tiếng của miền Bắc gần nghìn năm tuổi còn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay.

Làng Phù Lãng thâm trầm, mộc mạc bởi các sản phẩm gốm từ đất sét đỏ. Phù Lãng mang vẻ thâm trầm của một làng nghề gốm cổ. Cái sắc vàng óng da lươn của gốm Phù Lãng hàng trăm năm vẫn phảng phất hồn quê mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần hấp dẫn. Đặt chân đến Phù Lãng, dễ bắt gặp những hình ảnh mái ngói nâu đỏ thấp thoáng, những hàng chum vại dọc theo con đường làng, những tranh gốm, bình gốm xếp chồng cao ngất ở bên hiên, ở sân nhà. Đó cũng chính là hình ảnh của một Phù Lãng vẫn đang mỗi ngày đỏ lửa, cho ra lò những sản phẩm độc đáo, được nhiều người sử dụng.

 

 

 

Làng gốm Phù Lãng bình yên, mộc mạc. (Ảnh: internet)

 

Lịch sử của làng gốm Phù Lãng

Theo Tô Nguyễn, Trình Nguyễn trong sách Kinh Bắc - Hà Bắc thì ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc. Trong dịp đi này, ông học được nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước. Đầu tiên, nghề này dược truyền vào vùng dân cư đôi bờ sông Lục Đầu sau đó chuyển về vùng Vạn Kiếp (Hải Dương). Vào khoảng đầu thời Trần (thế kỷ 13) nghề được truyền đến đất Phù Lãng Trung.

 

 

 

Làng gốm Phù Lãng đã có lịch sử hình thành hơn 700 năm nay. (Ảnh: internet)

 

Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số nhà sưu tập còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ 17 - 19. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ của nó như men da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu... Cũng như nhiều làng nghề truyền thống của Việt Nam, gốm Phù Lãng cũng trải qua thăng trầm, nhất là thời kỳ 1987- 1992, gốm Phù Lãng phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm nhựa gia dụng. Tuy vậy, người Phù Lãng vẫn duy trì được nghề của làng mình.

 

 

 

Một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại từ thế kỷ 17 - 19 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)

 

Nguyên liệu đất để làm gốm ở đây được vận chuyển từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm (Bắc Giang) dọc theo con sông Cầu về Phù Lãng. Chất đất ở đây được sử dụng vì có độ dẻo cao, đất được phơi cho bạc màu, trộn lẫn các lần đất, đập thành những viên nhỏ bằng ngón chân cái rồi mới cho vào nước, sau đó xéo tròn, nề đất, lọc sạn, phá cho tới khi đất phải nhuyễn mịn mới thôi. Một miếng đất trước khi chuốt phải được xéo hàng chục lần, sau đó làm thành thỏi dài và tạo thành những khoanh tròn rồi mới cho lên bàn xoay vuốt thành sản phẩm. Mỗi một sản phẩm tùy vào lớn hay nhỏ đều được làm từ một hoặc nhiều khoanh tròn như thế xếp chồng lên nhau và vuốt đến khi thành hình sản phẩm.

 

 

 

Mỗi sản phẩm gốm Phù Lãng đều được làm dưới bàn tay điêu luyện, tài hoa, tỉ mỉ của người thợ nơi đây. (Ảnh: internet)

 

Gốm Phù Lãng có những sắc thái riêng biệt, đó là những sản phẩm men nâu, nâu đen, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu...mà người ta quen gọi chung là men da lươn. Về mặt tạo hình, gốm Phù Lãng sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong nghệ thuật tạo dáng với những hình khối đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, có thể qui vào hai phương pháp cơ bản là tạo hình trên bàn xoay và in trên khuôn gỗ hoặc khuôn đất nung rồi dán ghép lại.

 

 

 

Sản phẩm gốm Phù Lãng. (Ảnh: internet)

 

Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng kĩ thuật đắp nổi theo hình thức chạm bong hay còn gọi là chạm kép, mang màu men tự nhiên, bền, đẹp, lạ mắt. Dáng gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa và mang đậm nét của điêu khắc tạo hình. Hiện nay, gốm của làng Phù Lãng vẫn được tập trung phát triển vào ba dòng sản phẩm chính: Gốm dùng trong hoạt động tín ngưỡng như tượng Phật, lư hương và các đồ thờ cúng; Gốm gia dụng, một trong những sản phẩm đặc trưng của gốm Phù Lãng, vô cùng đa dạng và phong phú về chủng loại, kiểu dáng, từ lọ, bình, ang đến chum, vại; Gốm trang trí, gồm bình trang trí, lọ hoa, tranh gốm...

 

 

 

Tranh gốm Phù Lãng. (Ảnh: internet)

 

Tranh gốm là một sản phẩm nghệ thuật đặc sắc của làng gốm Phù Lãng hiện nay. Dòng tranh gốm Phù lãng được sáng tác với nhiều chủ đề đa dạng rất được người Việt yêu thích bởi tính chất mộc mạc mà giản dị của đất, màu tranh không quá sặc sỡ, rất phù hợp với trang trí sân vườn tiểu cảnh và trang trí nhà thờ, đền thờ. Ngoài tính chất của tranh gốm, chủ đề trong tranh luôn mang nhiều ý nghĩa với con người Việt. Tranh gốm giúp con người ta luôn nhớ về nguồn cội, quê hương những vất vả trước kia để có được một ngày vinh quang như hiện nay. Cùng những chủ đề mộc mạc cùng hoa sen, hoa mai, hoa cúc, cây tùng….

 

 

 

Hoạt động tham quan, du lịch, trải nghiệm tại làng gốm Phù Lãng. (Ảnh: internet)

 

Chính cái mộc mạc, chân chất của gốm Phù Lãng đã khiến nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhờ đó mà làng gốm như được tiếp thêm sức mạnh để “hồi sinh”. Không chỉ là một làng nghề sản xuất truyền thống, thời gian gần đây, Phù Lãng còn là nơi thu hút nhiều khách du lịch từ khắp mọi miền đến tham quan, tìm hiểu về nghề gốm. Đôi khi, chỉ cần nhìn những đôi tay thoăn thoắt của người thợ gốm vuốt, nặn, cũng có thể cảm nhận được giá trị của mỗi sản phẩm thủ công mà hồn cốt của nó lại được chứa đựng trong chính cái thô ráp, mộc mạc ấy.

 

 

 


Theo Quyên Nguyễn - Wowtimes (Tổng hợp)