Làng mộc Kim Bồng nằm trên vùng đất Cẩm Kim (thuộc thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam) ngày nay, được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ 15. Bước chân lên vùng đất này, âm thanh quen thuộc luôn vang vọng bên tai là tiếng đục đẽo, khoan cắt vang lên từ hai bờ Đông Tây. Những âm thanh đó đã trở nên một phần không thế thiếu trong đời sống của người dân bao đời gắn liền với cây gỗ nơi đây.
Làng mộc Kim Bồng bên dòng sông Hoài thơ mộng. (Ảnh: internet)
Vùng đất Cẩm Kim nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Thu Bồn, Hội An xưa từng là một thương cảng sầm uất của Đàng Trong, nhờ vậy các làng nghề tại đây như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng có cơ hội phát triển phồn thịnh. Vốn nằm trên địa thế sông nước, thuận lợi cho việc vận chuyển bè gỗ, đóng tàu, hạ thủy, làng mộc Kim Bồng còn đưa các sản phẩm của mình theo thuyền buôn đến nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy mà cho đến bây giờ, các sản phẩm mộc như bàn ghế, tủ gỗ, tượng phật, … của làng Kim Bồng vẫn được thương gia trong và ngoài nước tìm đến đặt hàng.
Những hình ảnh quen thuộc tại làng mộc Kim Bồng. (Ảnh: internet)
Lịch sử hình thành và phát triển của làng mộc Kim Bồng
Làng mộc Kim Bồng bắt đầu tập trung vào nghề mộc từ thế kỷ XVI và trải qua nhiều giai đoạn phát triển mạnh mẽ theo nhịp giao thương tấp nập của cảng thị Hội An. Giai đoạn này, Hội An giao lưu sâu rộng với nước ngoài, tiếp thu các phong cách làm mộc khác nhau, tạo tiền đề cho một sắc thái riêng của nghề mộc Kim Bồng ở Hội An.
Đến thế kỷ XVIII, làng đã hình thành nên 3 nhóm nghề rõ rệt là: nghề mộc xây dựng, nghề mộc đóng thuyền và nghề mộc dân dụng. Ngoài ra, nghề nề đắp vẽ, chạm trổ linh vật cũng góp phần đưa tên tuổi của làng vang xa khắp mọi miền.
Ngày nay, tuy đã qua giai đoạn vàng son nhưng những người thợ làng mộc Kim Bồng yêu nghề vẫn duy trì nếp sống cũ, chung tay góp sức trùng tu, bảo tồn các di tích phố cổ Hội An và ngược xuôi khắp nơi để xây dựng những ngôi nhà rường, nhà cổ 3 gian truyền thống. Bên cạnh đó, nghề mộc thủ công mỹ nghệ cũng phát triển hơn khi làng bắt đầu mở cửa chào đón khách du lịch.
Gỗ dùng để sản xuất được người dân đem ngâm dưới lòng sông Hoài. (Ảnh: internet)
Làng mộc Kim Đồng chia làm 2 nhánh, Kim Bồng Đông chuyên đóng tàu thuyền, còn Kim Bồng Tây chuyên chạm khắc gỗ. Nơi đây đã cho ra đời những sản phẩm còn tồn tại qua nhiều thập kỷ, mà trong đó khu phố cổ Hội An là một trong những minh chứng của một thời kỳ hưng thịnh cũng như sự tài hoa tài tình của những người thợ làng mộc Kinh Bồng. Nhờ sự giao thoa văn hóa Đông Tây mà mộc Kim Bồng giữ được trong mình những nét đặc sắc riêng trong từng nét chạm khắc. Mộc Kim Bồng, nhẹ nhàng, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế là những điều du khách có thể cảm nhận từ hình ảnh phố cổ Hội An cũng nhưh trên các sản phẩm khác. Những họa tiết hoa văn trên từng cây cột cây kèo là hình ảnh cành hoa, cây lá.
Phía Đông làng là nơi chuyên chạm khắc gỗ, còn phía Tây là nơi đóng thuyền. (Ảnh: internet)
Ngoài phố cổ Hội An, dấu ấn tài hoa của những người thợ mộc Kim Bồng cũng được nhìn nhận qua lịch sử xây dựng kinh thành Huế. Thuở ấy, khi các triều Nguyễn quyết định đóng đô ở Huế, đã mời các thợ mộc từ vùng đất phía Nam về xây dựng. Mà lúc bấy giờ chính là các nghệ nhân mộc ở làng Kim Bồng và Vân Hà, Quảng Nam.
Những nghệ nhân nơi đây nổi tiếng với bàn tay tài hoa, khéo léo. (Ảnh: internet)
Những sản phẩm thường thấy tại làng mộc Kim Bồng là bộ tứ linh, các thánh thần,... hoặc những vật dụng quen thuộc trong gia đình như bộ bàn ghế, tủ thờ, tủ quần áo,. Tất cả đều dó điểm chung là được chạm khắc vô cùng sống động, sử dụng nhuần nhuyễn những họa tiết gắn liền với văn hóa Hội An. Hay những con thuyền ở phía Đông, được đôi bàn tay tài hoa của người thợ điểm tô những nét chạm khắc điêu luyện và tinh tế. Công việc ở làng Mộc Kim Bồng không phân biệt độ tuổi già trẻ. Mỗi người đều phụ trách một công đoạn khác nhau để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Một số sản phẩm của làng mộc Kim Bồng. (Ảnh: internet)
Những năm gần đây, ngoài hoạt động sản xuất truyền thống, làng Mộc Kim Bồng còn kết hợp phát triển các loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm tại đây. Việc kết hợp làng nghề truyền thống vào du lịch giúp đời sống kinh tế của người dân cải thiện rõ rệt. Từ ngày “du lịch về làng”, cuộc sống người dân làng Kim Bồng nhộn nhịp hẳn, dọc bến sông ngày nào còn dành cho thuyền đò dân sinh và vận chuyển vật liệu, giờ đã là một bến đỗ tấp nập tàu thuyền du lịch với hàng ngàn lượt khách tham quan mỗi ngày.
Hoạt động du lịch, trưng bày tại Làng mộc Kim Bồng. (Ảnh: internet)
Nhiều gian hàng bán đồ lưu niệm của người dân địa phương mọc lên san sát phục vụ du khách, đặc biệt là các sản phẩm từ gỗ của chính làng nghề tạo tác. Kèm theo đó là những khu nhà xưởng chế tác, nhà trưng bày được dựng lên với không gian mở, tạo điều kiện cho du khách có thể dễ dàng tham quan và tham gia trải nghiệm trở thành làm “thợ mộc”. Hoạt động này vừa đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho người dân đây, vừa góp phần quảng bá văn hóa truyền thống, mang vẻ đẹp, giá trị của các làng nghề đến gần hơn với mọi người.