[Vietmaster - Đề xuất Kỷ lục - P.913]: "Người cầm lái" – Vở nhạc kịch đầu tiên về đề tài Bác Hồ

16-05-2022

[VIETMASTER] Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2022), lần đầu tiên hình tượng Bác Hồ được Nhà hát Công an Nhân dân và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam xây dựng bằng ngôn ngữ nhạc kịch qua vở diễn Người cầm lái. Hình thức kịch kinh điển thế giới hòa quyện với chất liệu sân khấu truyền thống để kể chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng như một cuốn phim quay chậm tái hiện cuộc đời Người trên sân khấu nhạc kịch.

Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu nhạc kịch - Ảnh 1.

 

Người cầm lái chính thức ra mắt khán giả vào ngày 24.4 và 17.5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là dự án nhạc kịch đặc biệt chào mừng kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2022) và kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà hát CAND (24.4.1982 - 24.4.2022) do Bộ Công an, Bộ VHTTDL chỉ đạo tổ chức, Nhà hát Công an Nhân dân chủ trì, phối hợp với Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam thực hiện.

Đồng hành cùng các nghệ sĩ Nhà hát CAND và ê kíp sáng tạo lần này có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trong vai trò cố vấn nghệ thuật; cố vấn âm nhạc: Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân. Chịu trách nhiệm sáng tác âm nhạc cho vở nhạc kịch là 3 nhạc sĩ trẻ đã có nhiều thành công ở trong nước và nước ngoài: Đình Thắng, Hoàng Huy, Duy Minh. Đảm nhận vai Bác Hồ qua nhiều giai đoạn là ca sĩ Lê Tuân của Nhà hát CAND; hai giọng ca của Nhà hát CAND là Thu Hường và Kim Long đảm nhận vai trò người dẫn chuyện. NSƯT Thanh Tâm, một trong số các giọng ca từng có nhiều năm công tác tại Nhà hát CAND cũng trở lại với vai bà Hoàng Thị Loan, Thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh… cùng sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, nhạc công của Nhà hát CAND.

 

Nghệ sĩ Lê Tuân đảm nhiệm vai Nguyễn Tất Thành - Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc - Già Thu 

 

Nhạc kịch Người cầm lái tôn vinh hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh - 3
NSƯT Thanh Tâm đảm nhận vai bà Hoàng Thị Loan.

 

Vở nhạc kịch Người cầm lái gồm 3 hồi: Quê hương, Tiếng vọng non sông và Chuyến tàu định mệnh, xoáy sâu khai thác quá trình hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh. Hình tượng Bác được chuyển tải qua nhiều không gian, thời gian khác nhau, từ khi Người còn là cậu bé 5 tuổi ở Nam Đàn, Nghệ An, theo cha vào kinh thành Huế; những năm tháng đối diện với nỗi đau mất mẹ và em, rồi đến khi trở thành người thanh niên Nguyễn Tất Thành bôn ba ở hải ngoại tìm đường cứu nước và khi trở về quê hương, chèo lái con thuyền cách mạng…

Thượng tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND cho biết, đây là lần đầu tiên Nhà hát Công an nhân dân dàn dựng tác phẩm nhạc kịch về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vở nhạc kịch quy tụ đội ngũ làm nghề hùng hậu với gần 200 nghệ sĩ, rất nhiều tên tuổi trong các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, múa. “Nhà hát đã dựng nhiều vở về đề tài Bác Hồ, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi dựng nhạc kịch về Bác, áp lực này đè nặng lên vai diễn viên vì tham gia nhạc kịch đòi hỏi nhiều kỹ năng kết hợp. Khi tổ chức dàn dựng cũng là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội nên ê kíp gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, tất cả các nghệ sĩ đã đồng sức, đồng lòng vượt qua để làm nên một sản phẩm nghệ thuật ý nghĩa”, NSND Nguyễn Thị Thuý Hiền chia sẻ.

 

Vở nhạc kịch về hình tượng Bác Hồ chính thức được công diễn - 7
Vở nhạc kịch có sự tham gia của gần 200 nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực ca, múa, nhạc... (Ảnh: Ban Tổ chức).

 

Thạc sĩ Tuyết Minh, tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn, biên đạo múa Người cầm lái cho biết, vở diễn được xây dựng với hình thức giao hưởng - đại hợp xướng của nghệ thuật hàn lâm. Tác phẩm đồng thời phát huy di sản truyền thống từ sân khấu kịch hát dân tộc, thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hoá Việt qua thanh âm của các nhạc cụ dân tộc, chất liệu ngôn ngữ múa dân gian đương đại. Ở đó, nghệ thuật opera, nhạc kịch kinh điển thế giới đã hoà quyện nhuần nhuyễn với thi pháp của sân khấu truyền thống Việt Nam.

Đặc biệt, sân khấu của vở nhạc kịch được thiết kế nổi hình bản đồ Việt Nam và các nhạc công ngồi biểu diễn theo hình bản đồ này.  Lần đầu tiên, một màn hình led cong được dựng ôm lấy bản đồ, để tạo ra hiệu ứng về thị giác, thính giác. Theo Tổng đạo diễn Tuyết Minh, thiết kế này mang nhiều thông điệp, đồng thời tác động trực quan và khơi gợi suy tưởng cho khán giả về hành trình của Bác từ Bắc vào Nam, vượt trùng dương ra thế giới, tiếp cận những nền văn minh xa xôi, trở về quê hương sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đưa con thuyền cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác…
 
Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam - Viện Kỷ lục Việt Nam đang đề xuất Kỷ lục: "Người cầm lái" – Vở nhạc kịch đầu tiên về đề tài Bác Hồ

Văn phòng Đề cử Kỷ lục Việt Nam - Viện Kỷ lục Việt Nam – VietMaster (Tổng hợp thông tin - Ảnh: Internet)