TS.Huỳnh Kỳ Trân - Chủ tịch Thorakao xác lập Kỷ lục Việt Nam với sáng chế về quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu không để hỗ trợ điều trị bệnh

18-06-2022

(Kỷ lục - VietKings) TS. Huỳnh Kỳ Trân, vị Lương y với tâm huyết sáng chế những sản phẩm từ thiên nhiên phục vụ lợi ích cộng đồng vừa chính thức xác lập Kỷ lục Việt Nam.

Sáng 18/6/2022, trong chương trình Đại hội Đại biểu CLB Doanh nhân Bến Tretại TP.Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2022 – 2025), Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân. Sự kiện có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Trung ương và địa phương cùng cộng đồng doanh nhân Bến Tre hiện sinh sống và làm việc tại TP.HCM.

Theo đó, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân được ghi nhận là Người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu, sáng chế quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu (piper betle L.) có tác dụng trung hòa, ức chế virut gây bệnh tay chân miệng và đau mắt đỏ, đã được cấp bằng Độc quyền Giải pháp Hữu ích tại Việt Nam.

 

Lương y Quốc gia, Tiến sĩ Hóa học Huỳnh Kỳ Trân được nhiều người biết đến với vai trò là Chủ tịch Thorakao

 

TS.Hóa học Huỳnh Kỳ Trân hiện đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH SX Mỹ phẩm Lan Hảo - Thorakao, Phó Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, Viện trưởng Viện phát triển Công nghệ và Đào tạo TP.HCM, Chủ tịch CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP.Hồ Chí Minh.

Với mong muốn kế thừa và chắt lọc những giá trị tốt đẹp của truyền thống, TS. Huỳnh Kỳ Trân vẫn luôn say mê nghiên cứu, phát minh, sáng chế ra những sản phẩm gần với thiên nhiên để phục vụ lợi ích cộng đồng. Đó cũng là lý do vì sao ông đã dành hơn 10 năm nghiên cứu để sáng chế ra quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu (piper betle L.) có tác dụng trung hòa, ức chế virus gây bệnh tay chân miệng và đau mắt đỏ.

 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Ngọc - Tổng Thư ký Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đại diện công bố quyết định về việc xác lập Kỷ lục Việt Nam đến Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân

 

 

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Văn Viễn - Phó Chủ tịch TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Viện trưởng Viện Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đại diện trao bằng Kỷ lục và Huy hiệu Kỷ lục Việt Nam. Ông Hà Phước Dũng - Trưởng Ban Phát triển Dự án Kỷ lục Việt Nam trao tặng món quà lưu niệm là Linh vật Hổ Ruxan 2022 của Kỷ lục đến TS Huỳnh Kỳ Trân

 

Trầu hay trầu không (tên khoa học Piper betle L.) là loại thảo mộc người Việt thường dùng để bảo vệ hàm răng chắc khỏe. Các nghiên cứu còn cho thấy tinh dầu trầu có hoạt chất kháng sinh mạnh, ức chế được nhiều chủng vi khuẩn và nấm mốc.

 

Trầu hay trầu không (tên khoa học Piper betle L.)

 

Từ trước tới nay, có rất nhiều người đã sử dụng lá trầu tươi vào việc chữa trị một số loại bệnh, do trong lá trầu tươi có chứa một số hợp chất phenolic là thành phần chính của tinh dầu lá trầu có tác dụng sát khuẩn mạnh. Trước đó, các tài liệu tách tinh dầu và Carotenoit từ lá trầu của tác giả Nguyễn Thị Lý và Trần Thị Hồng Vân tại Hội nghị Khoa học và Công nghệ lần thứ 9 năm 2005 đã bộc lộ quy trình tách chiết tinh dầu lá trầu. Tuy nhiên, khi lượng phenolic trong mẫu tinh dầu trầu tăng cao hơn thì khả năng kháng khuẩn sẽ cao hơn. Do vậy, vẫn tồn tại nhu cầu về một quy trình chiết tách tinh dầu lá trầu không trong đó có lượng phenolic lớn hơn, thành phần tinh dầu ổn định hơn và có thể sử dụng để ức chế virus gây bệnh.

 

TS.Huỳnh Kỳ Trân trong phòng thí nghiệm

 

Năm 2016, Quy trình chiết tách tinh dầu từ lá trầu có tác dụng ức chế Virut đường ruột gây bệnh Tay Chân Miệng (cụ thể là dòng Enterovirus 71) do Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân cùng nhóm nghiên cứu thực hiện đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng Độc quyền giải pháp Hữu ích số 1441. Quy trình này gồm các công đoạn: nghiền nhỏ hỗn hợp lá trầu tươi và dung dịch nước muối bão hòa, ngâm hỗn hợp sau nghiền, chưng cất lôi cuốn hơi nước hỗn hợp, phân tách tinh dầu qua bộ tách tinh dầu, rửa bằng dung dịch muối Na2SO4 để loại toàn bộ nước trong tinh dầu và thu hồi tinh dầu thành phẩm. 

Năm 2018, Ông tiếp tục được cấp bằng Độc quyền giải pháp Hữu ích số 1834 với Quy trình chiết xuất chiết phẩm từ lá trầu để trung hòa virut gây bệnh đau mắt đỏ. Quy trình này gồm các công đoạn: Nghiền nhỏ hỗn hợp lá trầu tươi và dung dịch nước muối bão hòa, ngâm hỗn hợp sau nghiền, chưng cất lôi cuốn hơi nước hỗn hợp, phân tích tinh dầu qua bộ tách tinh dầu, rửa với muối, thu chế phẩm 1. Phần nước còn lại sau chưng cất được chiết với dung môi từ phần nước sau chưng cất ra, sau khi làm bay hơi dung môi thu được cao chiết chứa 4-allylpyrocatechol, thu chế phẩm 2. Trộn chế phẩm 1 và 2 theo tỷ lệ khối lượng 9:1 thu được chiết phẩm lá trầu không dùng để trung hòa virut gây bệnh đau mắt đỏ (cụ thể là dòng Adenovirus, Enterovirus 71 và một số vi khuẩn đau mắt đỏ).

 

Hai bằng Độc quyền giải pháp Hữu ích của TS Huỳnh Kỳ Trân về quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu không có tác dụng trung hòa, ức chế virut gây bệnh tay chân miệng và đau mắt đỏ​

 

Các nghiên cứu, sáng chế quy trình chiết tách và phương pháp sản xuất tinh dầu lá trầu không đã và đang được ứng dụng, chuyển giao để tạo ra các chế phẩm thuốc uống dạng siro hỗ trợ điều trị bệnh, triển khai sản xuất ở quy mô công nghiệp, phục vụ cho các công tác thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng.

 

Các đại diện CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP.Hồ Chí Minh chúc mừng Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân chính thức trở thành Kỷ lục gia Việt Nam

 

Dịp này, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân tiếp tục tái đắc cử chức vụ Chủ tịch CLB Doanh nhân Bến Tre tại TP.Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2022 – 2025).


Ngọc Hà (Kyluc.vn) - Hình ảnh: Nga Võ/ VietKings