Từ một món ăn dân dã, trải qua hành trình hàng chục năm thay đổi, cơm tấm giờ đây đã trở thành món đặc sản không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người Sài thành, sánh ngang với những món ăn đặc trưng mà du khách nhất định phải thử khi đến với Thành phố Hồ Chí Minh. Hương vị của cơm tấm Sài Gòn chắc chắn sẽ khiến thực khách ngẩn ngơ và đem lòng yêu mến chỉ sau một lần gặp gỡ. Bởi vậy nên khi nhắc đến cơm tấm, ai ai cũng phải gật gù công nhận đây chính là hương vị xa là nhớ, gần nhau là ghiền...

Nói đến cơm tấm thì chắc chắn không thể không nhắc tới những thành phần ăn kèm thơm ngon. Ăn kèm với cơm tấm thì món truyền thống và ngon nhất là phải kể đến bộ ba “sườn, bì, chả”. Trong đó, sườn là món chính, được tẩm ướp từ nhiều loại hương liệu. Sau khi đem nướng trên bếp than hồng. Miếng sườn từ từ thấm gia vị đậm đà, tỏa mùi thơm, thịt vàng ươm. Giòn bên ngoài nhưng mềm ngọt bên trong tạo thành một hương vị đặc biệt; mà chỉ cần ngửi thấy là nghĩ ngay đến cơm tấm.

Trong tất cả các món ăn kèm với cơm tấm thì sườn heo là một trong số những nguyên liệu không thể thiếu và đã trở thành đặc trưng trong món cơm của người Sài thành. Sườn heo được tẩm ướp khéo léo, có đủ vị chua ngọt vừa miệng rồi mới đem nướng trên bếp than. Người Sài Gòn thường hay “quyến rũ” thực khách bằng cách đem nướng những tảng sườn heo thơm phức ở ngay trước quán, khiến cho ai đi qua cũng phải mủi lòng, ghé chân thưởng thức một đĩa cơm tấm để lấp đầy “chiếc bụng đói”.

Chả trứng hoàn toàn không phải chả chế biến cùng với trứng như nhiều người vẫn tưởng. Để làm ra được món ăn này đòi hỏi bí kíp lâu năm, được truyền lại từ nhiều đời chứ không phải cứ muốn làm là được. Nguyên liệu chính của món này bao gồm trứng, thịt băm, nấm, mộc nhĩ và một số gia vị khác, sau khi được hấp vàng ươm thì cắt góc theo hình chữ nhật hoặc tam giác là có thể xếp lên đĩa thưởng thức ngay.

Bì vừa là món có thể ăn nhậu, lại thích hợp khi kết hợp ăn cùng cơm tấm. Đây là một hỗn hợp gồm nhiều nguyên liệu là da heo cắt sợi, gạo rang cho vàng rồi giã mịn thành thính và trộn đều, kết hợp thêm nhiều gia vị khác sao cho vừa miệng người ăn.

Bên cạnh đó, cơm tấm còn có thể kết hợp với trứng ốp la, trứng lòng đào, lạp xưởng, xíu mại...tùy theo nhu cầu của người ăn. Tuy nhiên, để tận hưởng đầy đủ hương vị của món ăn đặc trưng này thì không thể bỏ lỡ mỡ hành, tóp mỡ và đồ chua ăn kèm.

Điều tạo nên sự thành công của món cơm tấm Sài Gòn chắc chắn là hương vị của nước mắm được pha chế kỳ công và chỉ dành riêng cho món cơm “bình dân” này. Một bát nước chấm hoàn hảo không thể thiếu tỏi, ớt để làm trọn vẹn hương vị cho món ăn.

Tóm lại, hương vị của cơm tấm Sài Gòn là sự kết hợp tinh tế giữa các gia vị, tạo nên một món ăn đậm đà, thơm ngon và đầy đủ chất dinh dưỡng. Cơm tấm Sài Gòn là món ăn phổ biến và phù hợp với khẩu vị của người Việt Nam với hương vị đậm đà, cùng với sự phong phú của các nguyên liệu, món ăn này có thể thỏa mãn được nhu cầu ẩm thực của nhiều người.

Quả thực không khó để tìm một quán cơm bình dân hay nhà hàng cao cấp ở Sài Gòn, nhưng với các tín đồ sành ăn thì nhất định phải "lê la cơm tấm vỉa hè" mới cảm nhận hết hương vị đặc trưng của món ăn này. Đó là mùi gạo dịu nhẹ hòa lẫn với mùi thơm của mỡ hành. Đó là hình ảnh khói than mù mịt cùng mùi sườn nướng thơm lừng tỏa ra trong từng góc phố, ngõ hẻm. Theo thời gian, mùi ấy, vị ấy dần len lỏi vào thẳm sâu trong tiềm thức và đời sống của mỗi người dân Sài thành, đánh thức mọi giác quan của bất kì ai vô tình lướt ngang hàng cơm tấm.

Năm 2012, Hành trình Tìm kiếm, Quảng bá Đặc sản và ẩm thực Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện lần thứ nhất với hi vọng quảng bá đất nước Việt Nam rộng rãi hơn đến các địa phương trên toàn quốc và thế giới thông qua các giá trị về ẩm thực và đặc sản. Vào ngày 1/8/2012, Cơm tấm Sài Gòn đã chính thức được công nhận đạt giá trị Kỷ lục châu Á theo Bộ tiêu chí của Tổ chức Kỷ lục châu Á quy định.